Đây là hiện tượng nhận thức méo mó do nhìn nhận mọi thứ chỉ có hai thái cực,étbỏbàitậpvềnhàfiji như là người chỉ có tốt hoặc xấu, vật chỉ có lợi hoặc hại. Tôi thấy lối nghĩ này cũng xảy ra với bài tập về nhà ở cấp tiểu học: Hoặc là giao thật nhiều để trẻ oằn lưng thức đêm học bài, hoặc là yêu cầu không giao.
Đứng từ góc độ sư phạm, bài tập về nhà là một hoạt động cần thiết, giúp trẻ luyện tập rất nhiều kỹ năng quan trọng hàng đầu như kỹ năng chuẩn bị, kỹ năng quản lý thời gian... Ôn luyện tại nhà cũng giúp học tập hiệu quả do việc nhắc lại kịp thời theo đường cong học tập (learning curve). Thêm vào đó, không giao bài tập về nhà có thể làm trẻ sợ đến trường. Do ở trường thì phải học tập vất vả, còn về nhà trẻ chỉ chơi điện tử và xem tivi. Khi con gái tôi vào lớp tiền tiểu học ở một trường tư thục, thầy hiệu trưởng đứng ra cam đoan cháu sẽ có ít nhất 15 phút bài tập về nhà mỗi tuần.
Năm 2012, Liên hiệp các trường Los Angeles cho rằng học sinh lớp 1 cần 20 phút bài tập về nhà. Năm 2015, Hiệp hội Giáo dục Mỹ (NEA) đã gợi ý lượng bài tập về nhà tăng mười phút cho mỗi khối lớp. Tức là lớp một có 10 phút bài tập về nhà, lớp 12 có 120 phút. Như vậy việc không giao bài tập sẽ gây rất nhiều khó khăn và áp lực cho công tác giảng dạy ở trường. Mặc dù vậy vẫn có một số trường ở Australia chủ trương không giao bài tập về nhà cho riêng trẻ lớp một. Thay vào đó, họ có một số hướng dẫn cho các hoạt động ở gia đình. Điều này giúp trẻ khám phá năng lực, sở thích của bản thân và có sức khỏe tốt.
Trẻ cần có bài tập về nhà, nhưng phụ huynh và người làm sư phạm lại áp dụng lối tư duy đen trắng.
Nếu quay lại cách giao bài tập cũ, tôi cho rằng vừa quá đáng, vừa không hiệu quả. Theo quan sát của tôi, nhiều giáo viên cho bài tập về nhà để lấp những chỗ không kịp học trên lớp. Khi trẻ lúng túng thì bố mẹ phải giảng giải. Việc này tăng gánh nặng cho phụ huynh, những người không được đào tạo sư phạm. Có không ít trường hợp bố mẹ nổi nóng vì con "dốt", nói mãi không hiểu. Còn những đứa trẻ chỉ cúi gằm mặt chịu trận. Ngược lại, cũng không ít bố mẹ phê phán nhà trường vì không thấy được ý nghĩa của việc làm bài tập về nhà ngoài học thuộc lòng, gây lãng phí thời gian hay đánh đố. Thầy cô cần giao bài tập theo hướng củng cố kiến thức đã học, và gợi mở kiến thức đào sâu. Tức là trẻ có thể tự do khám phá theo năng lực và nhu cầu học tập cá nhân. Harris Cooper, giáo sư tâm lý và khoa học thần kinh của Đại học Duke đã tiến hành nhiều nghiên cứu để chỉ ra rằng, bài tập về nhà ở cấp tiểu học là có ích, nhưng chỉ khi nó được thiết kế phù hợp với trẻ và lịch trình học.
Thế nên trước hết cần xác định chính xác khối lượng giảng dạy cần thiết. Có ý kiến cho rằng việc chưa làm chủ chương trình mới khiến giáo viên có xu hướng giao nhiều bài tập về nhà hơn, do lo lắng trẻ không theo kịp chương trình. Thực tế ở cấp tiểu học, bài tập về nhà chỉ là tham số phụ giúp học sinh nắm bắt kiến thức. Có nhiều công thức tính toán học trình dựa trên tham số môn học, phương pháp giáo dục, trình độ học sinh, sĩ số lớp... Không nên để học trình quá nặng, làm quá tải cả giáo viên và học sinh.
Việc tính toán thời gian trẻ sử dụng để làm bài tập cũng không khó. Thầy cô có kinh nghiệm sư phạm đều có thể ước lượng gần đúng thời gian trẻ sử dụng. Một mẹo nhỏ mà các thầy cô hay sử dụng để ước lượng thời gian làm bài của học sinh là họ tự làm bài tập đó rồi nhân hệ số độ khó do chênh lệch giữa người dạy và người học. Ví dụ nếu bài tập toán lớp một thầy cô làm trong một phút thì trẻ có thể cần trung bình 20 phút để hoàn thành. Đối với lớp năm là trung bình khoảng 12 phút.
Ở một góc nhìn khác, nếu trẻ ít bài tập về nhà đi, thì cần có những hoạt động bổ ích lấp vào chỗ trống đó. Có phụ huynh vứt cho trẻ cái điện thoại để rảnh tay. Có người cho trẻ ra đường chơi mà thiếu trông nom. Điều này rất dễ hiểu vì phụ huynh đã mệt mỏi với công việc. Có nhiều người nhận thêm việc làm tại nhà hoặc bận bịu kinh doanh. Nhưng sự thật là ngay cả khi có thời gian, không phải ai cũng biết cách chơi với trẻ. Giáo dục hiện đại từ rất lâu đã nhận ra rằng, chỉ số IQ và EQ của trẻ phụ thuộc vào thời gian mà cha mẹ dành cho con cái. Nhà trường có thể có những gợi ý để cha mẹ cùng con cái khám phá, bổ sung bên cạnh việc học ở trường.
Nói một cách ví von, việc dạy học giống như mở ra cho trẻ một thế giới sặc sỡ muôn màu. Đừng chỉ có hai màu trắng đen. Thế là quá đà cho bài tập về nhà, và cho cả giáo dục.
Tô Thức